Trong những trang sử vàng của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã ghi nhận công lao to lớn và sự hi sinh cao cả của các thế hệ phụ nữ Việt Nam. Từ những nữ anh hùng hào kiệt phất cờ, dấy binh khởi nghĩa chống lại ách độ hộ của giặc ngoại xâm – đó là Bà Trưng, Bà Triệu; Nữ tướng Bùi Thị Xuân, cho đến những người phụ nữ “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của thời kỳ kháng chiến như: Nữ tướng Nguyễn Thị Định, các chị Nguyễn Thị Út, Trần Thị Lý, Đặng Thùy Trâm. Đến nay, những người phụ nữ “Trung hậu, đảm đang, tài năng, giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong thời kỳ đổi mới đất nước đang tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển chung của toàn xã hội. Có thể nói, phụ nữ đã là một phần không thể thiếu, đóng góp vào thành công của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Từ những năm 1927 – 1930, các tổ chức có tính chất giới rất riêng cho phụ nữ đã được hình thành như: Phụ nữ phản đế Đồng Minh, phụ nữ Hiệp Hội, phụ nữ Giải Phóng…và nhiều nhóm phụ nữ đã tham gia các tổ chức tiền thân của Đảng. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ đối với sự nghiệp cách mạng:“Lực lượng cách mạng của phụ nữ là lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu thì cách mạng không thể thắng lợi được”. Với sự nhìn nhận, đánh giá đó, Đảng đã đề ra đường lối giải phóng phụ nữ phải gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc và đặt ra yêu cầu: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng; đồng thời, thành lập tổ chức riêng để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia. Chính vì vậy, ngày 20/10/1930 Hội phụ nữ Giải phóng – tổ chức Hội đầu tiên của phụ nữ Việt Nam được thành lập, đánh dấu mốc son trong lịch sử thành lập Hội phụ nữ Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, một đoàn thể quần chúng của phụ nữ được hoạt động hợp pháp, công khai, nhằm đoàn kết, động viên lực lượng phụ nữ đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Từ khi ra đời đến nay, với nhiều tên gọi khác nhau, tổ chức Hội phụ nữ được rèn luyện, trưởng thành qua từng thời kỳ cách mạng, gắn liền với sự lớn mạnh và phát triển của cách mạng Việt Nam. Đó là: Hội Phụ nữ Giải phóng (1930-1931); Hội Phụ nữ Dân chủ (1936-1939); Hội Phụ nữ Phản đế (1939-1941); Đoàn Phụ nữ Cứu quốc (1941-1945); Hội Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (từ 1946 – nay). Dù tên gọi có thay đổi theo yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của từng thời kì, nhưng ở bất kì thời kì nào, Hội vẫn là tổ chức trung kiên của phụ nữ Việt Nam, là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
93 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã trở thành một tổ chức chính trị – xã hội vững mạnh, tập hợp đông đảo, rộng rãi các tầng lớp phụ nữ Việt Nam trong nước cũng như ở nước ngoài. Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế và Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN. Hội Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã giữ vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm phát huy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ, đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Với tâm thế kế thừa và phát huy những phẩm chất truyền thống, không ngừng rèn luyện, tự bồi dưỡng bản thân để thích nghi với xã hội hiện đại, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chọn bốn phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” làm kim chỉ nam để cán bộ, hội viên phụ nữ rèn luyện phấn đấu.
(Lưu Thị Vân Hà – uỷ viên BCH Công đoàn Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt)