Báo cáo tham luận Về “Ứng dụng công nghệ thông tin đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá môn ngoại ngữ”
I. Phân tích đánh giá về bối cảnh và thực trạng
1. Bối cảnh
- Đứng trước cơ hội phát triển như vũ bão của Công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) – cuộc cách mạng được dự báo sẽ làm thay đổi căn bản và toàn diện cuộc sống; cách con người làm việc và giao tiếp với nhau.
- Trước sự hội nhập sâu rộng và toàn diện về văn hóa, kinh tế, xã hội giữa các dân tộc, các quốc gia trên toàn thế giới.
- Để tận dụng được thời cơ đồng thời nhằm đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của thị trường lao động chất lượng cao, Ban chấp hành Trung Ương – Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4 tháng 11 năm 2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa và hội nhập Quốc tế”. Nghị quyết quan trọng mang tính chiến lược này đã và đang mang lại cơ hội to lớn cho người học trong việc phát huy năng lực học tập, tư duy và óc sáng tạo của bản thân đồng thời cũng đặt trọng trách lớn đối với giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới công tác kiểm tra (KTĐG), đánh giá kết quả học tập của học sinh.
- Cũng theo tinh thần Nghị quyết 29 và các Văn bản chỉ đạo của Bộ giáo dục và đào tạo thì công tác KTĐG phải đảm bảo một số tiêu chí sau:
+ Việc KTĐG phải đảm bảo thực chất; đảm bảo tính khách quan, công bằng và đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh.
+ Chú trọng đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh: đánh giá qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video clip, …) về các kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành.
+ Kết hợp đánh giá trong quá trình dạy học, giáo dục và đánh giá tổng kết cuối năm; đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và nhận xét, góp ý lẫn nhau của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh và cộng đồng.
- Để hiện thực hóa việc Đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo đổi mới phương thức KTĐG năng lực học tập của học sinh, ngay đầu năm học 2020-2021, Bộ GD & ĐT đã đưa ra lộ trình dự kiến từ năm 2021 đến 2023, Bộ có thể tổ chức thi THPT Quốc gia trên máy tính và sẽ được áp dụng nhiều lần/năm đối với các trường hoặc các tỉnh, thành phố có điều kiện tốt về cơ sở hạ tầng mạng Internet với mục tiêu xa hơn là tiến tới việc thi THPT quốc gia đối với tất cả thí sinh trên máy tính.
- Từ thực tiễn về Đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, trong đó việc đổi mới phương thức thi, KTĐG với việc ứng dụng CNTT được xem là một trong những giải pháp then chốt và là chủ trương lớn của ngành giáo dục.
- Từ bối cảnh trên, Sở GDĐT Kiên Giang đã thường xuyên tổ chức các cuộc Hội thảo chuyên đề về đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy và KTĐG kết quả học tập của học sinh. Các trường THPT trên địa bàn Tỉnh trong đó có trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt đã sử dụng một số ứng dụng CNTT vào việc giảng dạy và kiểm tra đánh giá.
- Trong khuôn khổ hội thảo, tôi đại diện cho nhóm giáo viên tiếng Anh xin báo cáo việc ứng dụng CNTT trong KTĐG tại trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt trong những năm học qua.
2. Thực trạng công tác kiểm tra đánh giá thường xuyên tại trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt
Tổ Tiếng Anh và các thành viên trong tổ đã luôn bám sát yêu cầu và định hướng về công tác KTĐG đặc biệt là việc ứng dụng CNTT vào KTĐG. Theo đó, mỗi học sinh sẽ được hướng dẫn chi tiết về cách thức kiểm tra trong năm học. Ngoài việc kiểm tra giấy truyền thống, các em còn được hướng dẫn tạo tài khoản cá nhân để truy cập vào các trang webs do giáo viên tạo tài khoản như Blackboard Coursesites, Socratives, Kahoot, Quizlet để làm các loại bài tập trực tuyến và các Mini Tests bằng các thiết bị như smartphones, laptops, desktops tại nhà hay trên lớp. Kết quả thu được từ các hình thức KTĐG này giáo viên có thể tính vào điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên và điểm khuyến khích cho mỗi học kỳ.
3. Đánh giá ưu điểm, hạn chế và đề xuất
Ưu điểm:
- Việc ứng dụng CNTT vào đổi mới phương thức thi, KTĐG đã mang lại những kết quả khá tích cực. Học sinh được đánh giá chính xác, công bằng và khách quan năng lực học tập của bản thân. Qua việc làm bài trực tuyến, các em có nhiều động lực hơn trong học tập và vận dụng kiến thức vào các vấn đề thực tế. Bên cạnh đó, giáo viên cũng tiết kiệm được nhiều thời gian chấm bài.
- Việc làm bài trực tuyến đã hướng trọng tâm của việc học vào việc vận dụng kiến thức; các em có cơ hội làm nhiều dạng bài khác nhau và giảm thiểu áp lực học thuộc bài máy móc; do đó các em cố gắng tìm tòi học hỏi, vận dụng và khắc sâu kiến thức trong quá trình học tập.
- Việc ứng dụng CNTT vào đổi mới dạy học và KTĐG môn ngoại ngữ đã phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo và trong quá trính học tập đồng thời phát huy tối đa năng lực bản thân.
Hạn chế:
- Mạng wifi của trường chưa cho phép số học sinh cùng truy cập và làm bài trực tuyến.
- Phòng thực hành ngoại ngữ được bố trí tại khu thực hành thí nghiệm, xa lớp học; học sinh và giáo viên tốn nhiều thời gian để di chuyển giữa các tiết học.
- Giáo viên mất nhiều thời gian sưu tầm và biên soạn các loại bài KTĐG.
- Phí hàng năm cho việc duy trì tài khoản trên các trang mạng cao.
Đề xuất:
- Tiếp tục phát huy các ưu điểm đạt được.
- Nâng cấp đường truyền mạng wifi để nhiều học sinh dễ dàng cùng truy cập và làm bài trực tuyến.
- Phòng thực hành ngoại ngữ trang bị thêm máy tính bảng hoặc các thiết bị di động có cấu hình phù hợp cho học sinh học tập, tương tác với giáo viên và với bạn bè cùng lớp.
- Học tập kinh nghiệm từ các trường trong và ngoài tỉnh, học viện có nhiều kinh nghiệm trong ứng dụng CNTT vào đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá môn ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng.
- Hỗ trợ thêm kinh phí cho công tác bảo dưỡng và duy trì tài khoản trên các trang mạng.
II. Kết luận
- Việc ứng dụng CNTT vào đổi mới dạy học và KTĐG môn Ngoại ngữ là xu thế tất yếu của thời đại. Mặc dù việc thực hiện chưa đồng bộ giữa các trường THPT trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; tuy vậy, với chủ trương đúng đắn của ngành giáo dục đã tạo sinh khí mới vào việc dạy và học của giáo viên và học sinh trên địa bàn Tỉnh. Trong thời đại CNTT phát triển nhanh chóng như hiện nay, việc đổi mới phương thức KTĐG đã mang lại hiệu ứng tốt với đối với học sinh trong việc phát huy tính năng động, sáng tạo của học sinh đồng thời giúp các em thích nghi tốt với kỳ thi THPT quốc gia.
- Trong thời gian tới, Tổ bộ môn sẽ thực hiện KTĐG học sinh trên máy tính; giúp học sinh quen dần với hình thức thi trực tuyến hoặc trên máy tính theo chỉ đạo chung của Bộ và Sở GDĐT.
III. PHỤ LỤC: Một số ví dụ minh họa:
(Tài liệu tham khảo về các trang Webs, bài tập, bài kiểm tra và hướng dẫn tạo tài khoản và đăng nhập)
-
Đang truy cập: 40
-
Hôm nay: 9987
-
Tháng hiện tại: 128719
-
Tổng lượt truy cập: 16521497
Ý kiến bạn đọc