Trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0, giáo dục có vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04/05/2017 đã đưa ra giải pháp về mặt giáo dục: “Thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông”, đồng thời đưa ra nhiệm vụ: “Thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức thí điểm tại một số trường phổ thông ngay từ năm học 2017-2018”.
Hiện nay, ở Việt Nam, giáo dục STEM nói riêng vẫn chưa được nghiên cứu sâu. Mặc dù đã có một số nghiên cứu, các bài viết, tài liệu về giáo dục STEM ở Việt Nam tuy nhiên các công trình nghiên cứu bàn về cơ sở lí luận của giáo dục STEM và vận dụng nó vào dạy học bộ môn, đặc biệt là các chủ đề dạy học STEM trong môn Hóa học còn hạn chế.
Khi sử dụng các chất chỉ thị có thể phát sinh một số vấn đề sau: không có giấy chỉ thị để dùng do trang thiết bị chưa đáp ứng kịp thời; có giấy chỉ thị nhưng đã quá hạn sử dụng hoặc bị hỏng do môi trường; dấu hiệu nhận biết không rõ ràng do chất lượng giấy chỉ thị kém; mẩu giấy quỳ nhỏ nên học sinh (HS) khó quan sát. Việc tạo ra dung dịch chất chỉ thị là giải pháp thiết thực trong trường hợp trên. Hiện nay, có một số nguyên liệu rất dễ tìm trong cuộc sống dùng làm chất chỉ thị như: cánh hoa dâm bụt, hoa bách nhật, rau bắp cải tím, hoa cẩm tú cầu, củ nghệ, nước rau muống luộc, rau lang, cánh hoa phong lữ,...
Với giải pháp tạo dung dịch chỉ thị từ các nguyên liệu có sẵn này tạo được hứng thú và nâng cao hiệu quả học tập cho HS, đáp ứng được mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, việc này giúp HS xác định được môi trường của các chất, các sản phẩm quen thuộc như giấm, chanh, xà phòng giặt... mà không cần sử dụng đến các hóa chất độc hại. Điều này làm cho môn Hóa học trở nên gần gũi với cuộc sống của HS, gắn kiến thức lí thuyết với đời sống thực tế.
Bài viết trình bày khái lược về giáo dục STEM, quy trình dạy học môn Hóa học theo định hướng giáo dục STEM; từ đó, xây dựng chủ đề về thuốc thử axit - bazơ trong chương trình Hóa học vô cơ lớp 11 theo định hướng giáo dục STEM nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề (NLGQVĐ) cho HS.
định hướng, giáo dục, thiết kế, chủ đề, tiêu biểu, chương trình
Ý kiến bạn đọc