Nguồn: Mười vạn câu hỏi vì sao phần Động Vật – Tri thức thế kỉ 21 – NXB Giáo dục Việt Nam.
1. Động vật trút giận như thế nào?
Khi hai động vật không quen biết nhau hoặc sớm đã có "thù hận" với nhau, thường sẽ có thái độ đối với kẻ địch, thái độ này từ doạ dẫm dần dần phát triển thành tấn công, vẻ mặt trở nên hung dữ. Song có khi chúng sẽ đưa ra một số động tác kì lạ, chuyển thái độ phẫn nộ được tích trữ trong lòng lên kẻ thứ ba không hề có liên quan. Đó chính là "hành vi thay đổi" của động vật, còn gọi là "hành vi giận cá chém thớt".
Ví dụ có một loài hải âu, khi hai con đều bị kích thích tấn công lẫn nhau, trong đó một con sẽ chuyển sang tấn công mục tiêu bay bên cạnh mình, ngoài ra còn mổ cỏ một cách rất tức tối. Đó chính là cách hải âu chuyển sự phẫn nộ bị kìm nén trong lòng trút lên cỏ mà không có liên quan gì đến mình. Chim công ở Châu úc khi yêu đương hoặc khi tranh đấu sẽ xuất hiện những hành vi thay đổi với nhiều kiểu như chải lông, vươn vai, lắc mình, gãi gãi đầu, ngáp, ngủ gật, lấy thức ăn, xây tổ... Khi hai con căngguru lớn đánh nhau, do trong lòng xuất hiện tâm trạng phức tạp, có khi chúng đột ngột dừng đánh nhau, hành vi thay đổi được thể hiện ra giống như đang chải lông trên người. Khi mèo tấn công con mồi có thể đột ngột dừng lại để liếm cơ thể. Một con cá hung hãn khi doạ nạt các loài cá khác cũng sẽ đột ngột dùng mồm để đào cát hoặc trong lúc tuyệt vọng sẽ xuất hiện hành vi thay đổi như mở to mồm.
2. Tại sao động vật biết áp dụng "chính sách nhượng bộ"?
Trong thế giới động vật, hiện tượng tranh đấu là hiện tượng không có gì mới. Song chúng cũng có nguyên tắc tranh đấu của chính mình, đó chính là áp dụng "chính sách nhượng bộ" để tránh hết mức việc đổ máu và ngăn chặn xuất hiện cuộc tranh đấu "một mất một còn". Tại sao vậy? Các nhà khoa học cho biết có hai nguyên nhân chủ yếu:
Thứ nhất, động vật cũng biết suy nghĩ đến hậu quả. Bởi vì khi động vật tranh đấu, kẻ bại chắc chắn sẽ bị thương, thậm chí có thể mất mạng, và kẻ thắng cũng có thể bị thương. Do vậy, kẻ mạnh sẽ hết sức tránh bị thương, để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường sau này của mình, nên khi đánh nhau thường sẽ "không chấp kẻ yếu".
Thứ hai, động vật cũng có cách ngừng tranh đấu giữa chừng. Nói chung, nếu như sức lực của hai bên khác nhau xa, chúng sẽ không đánh nhau nữa, cùng lắm chỉ là xung đột một chút. Chỉ khi sức lực của cả hai bên chênh lệch không bao nhiêu thì mới có thể nổ ra cuộc tranh đấu kịch liệt. Song sau khi hai bên qua mấy hiệp đọ sức, sức mạnh yếu sẽ dần dần thay đổi rõ rệt. Lúc này thường là kẻ yếu có khả năng tự biết mình sẽ tự nhận thua hoặc thể hiện tư thế đầu hàng để cầu mong đối phương khoan dung, đó chính là đầu hàng. Ví dụ, khi hai con sư tử đánh nhau, chỉ cần một bên vươn cổ sang phía địch thủ, thì đối phương biết đây là tín hiệu của "khuất phục" liền áp dụng chính sách "nhượng bộ", lập tức ngừng tấn công. Ví dụ như khi hai con chó đang cắn lẫn nhau, chỉ cần một con nằm ngã xuống đất ngửa bụng lên trời, thể hiện "bái phục chịu thua" thì trận tranh đấu này sẽ kết thúc.
3. Tại sao các nhà khoa học biết động vật có thể nằm mơ?
Con người biết nằm mơ, còn động vật có biết nằm mơ không? Đây là câu hỏi rất thú vị.
Trước đây, khi các nhà khoa học quan sát thói quen sinh hoạt của hươu cao cổ hoang dã và hươu cao cổ ở trong vườn bách thú đã phát hiện ra rằng, cách ngủ của chúng rất thú vị, có hai cách ngủ nông và ngủ sâu. Khi ngủ nông, cơ thể nằm ngang, nhưng chiếc cổ dài lại vẫn cao thẳng đứng, một phần đại não vẫn nằm ở trạng thái hưng phấn như trước, làm cho người ta có cảm giác nó vẫn "chưa ngủ". Chỉ khi ngủ sâu, hươu cao cổ mới để đầu đặt nằm lên phần đuôi, tuy nhiên thời gian kéo dài không quá 20 phút.
Vậy thì rốt cuộc là tại sao? Các nhà khoa học căn cứ vào khảo sát thực địa đối với hành vi của hươu cao cổ đã giải thích rằng, do sư tử là kẻ thù chính của hươu cao cổ, nó thường đột ngột tấn công hươu cao cổ, vì vậy hươu cao cổ trong thời gian dài đấu tranh với kẻ thù mới dùng bí quyết "vươn cổ khi ngủ" kết hợp với "ngủ sâu trong thời gian ngắn" để đề phòng sư tử tấn công đột ngột, đạt được mục đích vừa an toàn lại vừa có thể nghỉ ngơi thích hợp.
Điều thú vị là một nhà nghiên cứu động vật người Mĩ khi khảo sát hươu cao cổ ở vùng Đông Nam Châu Phi đã phát hiện ra rằng: một con hươu cao cổ bị theo dõi toàn thân nằm xuống ở tư thế ngủ say "khò khò". Nhưng đột nhiên nó bỗng đứng phắt dậy, lồng lộn điên cuồng, hiện ra một bộ dạng rất kinh khủng.
Đối với hành vi kì quái không thể hiểu nổi này, ban đầu các nhà khoa học suy đoán, có lẽ là xung quanh có cái gì đã kích động đến nó, nhưng qua kiểm tra tỉ mỉ thì tất cả mọi thứ ở xung quanh đều rất yên ổn. Điều này làm cho các nhà khoa học cảm thấy kì lạ không thể giải thích nổi. Sau đó, qua nhiều lần phân tích mới nhận ra rằng, ban ngày chú hươu cao cổ này đã từng chịu sự tấn công của sư tử, suýt nữa là rơi vào móng vuốt của sư tử, do vậy suy ra là giữa đêm nó nằm mơ thấy ác mộng là có liên quan với sự việc ban ngày.
Sau đó, các nhà khoa học tiến hành cuộc nghiên cứu sâu hơn và đã phát hiện ra, khi động vật ngủ, đại não có thể phát sóng điện từ giống như não người khi nằm mơ, do vậy động vật cũng có thể nằm mơ. Họ sử dụng "máy điện não đồ" để kiểm tra động vật, phát hiện ra rằng có động vật nằm mơ nhiều, thời gian dài, có động vật lại nằm mơ ít, thời gian ngắn hơn. Ví dụ, sóc và dơi thường nằm mơ, còn loài chim lại nằm mơ tương đối ít, động vật bò sát hầu như không nằm mơ. Các nhà khoa học cho rằng điều này có thể liên quan đến việc chúng bất cứ lúc nào cũng phải giữ cảnh giác đối với kẻ thù của tự nhiên để có thể kịp thời chạy thoát.
4. Động vật có thể tự chữa bệnh cho mình được không?
Khi con người ốm phải đi bệnh viện chữa trị, còn động vật trong vườn bách thú ốm thì do bác sĩ thú ý chữa trị cho chúng, nhưng động vật sống trong môi trường tự nhiên hoang dã khi bị bệnh thì phải làm thế nào?
Một số nhà khoa học nghiên cứu về hành vi của động vật đã phát hiện, có một số động vật khi bị bệnh đã biết lợi dụng thực vật hoang dã vốn có ở xung quanh. Điều này cũng giống như con người khi sống ở trên núi cao rừng sâu, cách xa bệnh viện thành phố thường dùng thảo dược để chữa bệnh cho chính mình.
Đã có một ví dụ thực tế như sau: Những người thợ săn ở vùng núi thường nhìn thấy một số con thú hoang bị thương chạy vào hang núi nào đó, họ rất lấy làm lạ liền theo dõi để biết nguyên nhân. Kết quả họ đã phát hiện ra những con thú hoang bị thương chạy đến một nơi gần vách núi dốc đứng, áp sát miệng vết thương lên vách núi, vẻ đau đớn trên mặt dần dần biến mất. Hiện tượng kì lạ này đã gây được sự chú ý của các nhà khoa học, họ cùng đến nơi vách núi dốc đứng kia, nhìn thấy có một dịch dính đặc giống như là mật ong rừng màu đen. Qua phân tích hoá học, họ phát hiện rằng, thể dịch này gồm có hơn 30 nguyên tố vi lượng dùng để chữa trị gãy xương rất hiệu quả. Hoá ra các con thú hoang bị thương đi đến đó là để lợi dụng thể dịch này tự chữa vết thương cho chính mình.
Những ví dụ giống như vậy có rất nhiều. Ví dụ như khi con nai sừng hươu (mi lộc) bị đau bụng ỉa chảy sẽ đi gặm những cành non và vỏ cây sồi, cây tùng... Bởi vì ở bên trong đó có chứa Tanin, có tác dụng ngừng ỉa chảy. Mèo hoang tham ăn sau khi đã ăn phải thức ăn có độc, vừa bị nôn vừa đi ỉa chảy, lúc đó nó sẽ đi tìm một loại cỏ lau có vị đắng, sau khi ăn gây nôn oẹ, nôn hết những chất độc trong bụng ra ngoài. Hoá ra cỏ lau có một loại kiềm sinh vật, có tác dụng thúc đẩy nôn chất độc ra ngoài.
5. "Tiếng địa phương" của động vật được hình thành như thế nào?
Loài người do ở những khu vực không giống nhau nên đã xuất hiện những tiếng địa phương khác nhau. Vậy thì động vật có tiếng địa phương hay không?
Vào đầu thập kỉ 70 của thế kỉ XX, hai vợ chồng nhà nghiên cứu loài cá voi nổi tiếng ở Mĩ, khi khảo sát cá voi đã phát hiện ra rằng, tiếng kêu của cá voi sống ở vùng biển Đại Tây Dương rất khác so với cá voi sống ở vùng biển Hawai Thái Bình Dương, điều này có phải là do cá voi sống ở trong những khu vực khác nhau có "tiếng địa phương" khác nhau không?
Nhà khoa học Nhật Bản chuyên nghiên cứu ngôn ngữ của các loài cá heo cho rằng, ngôn ngữ của loài cá heo rất giống với ngôn ngữ của loài người, không chỉ có "tiếng phổ thông" thông dụng, mà còn có "tiếng địa phương" đặc biệt của mình. Ông đã đưa ra một ví dụ, loài cá heo Quan Đông sống ở Đại Tây Dương có 17 loại ngôn ngữ, còn loài cá heo Quan Đông sống ở Thái Bình Dương có 16 loại ngôn ngữ, giữa chúng có 9 ngôn ngữ là thông dụng, chiếm khoảng một nửa, còn một nửa ngôn ngữ khác là mỗi bên tự có, đều không nghe hiểu lẫn nhau, đó chính là tiếng địa phương của loài cá heo.
Cách đây không lâu, một nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu hải dương thế giới ở San Diego của Mĩ và một nhà khoa học thuộc Trung tâm dịch vụ động vật hoang dã của Canađa, khi tìm hiểu về loài báo biển ở châu Nam Cực đã cùng phát hiện ra tiếng kêu của loài báo biển ở vùng biển bán đảo Nam Cực khác với tiếng kêu của loài báo biển sống ở vùng biển ở gần eo biển Mc Murdo.
Gần đây, nhà nghiên cứu về loài chim ở Trường đại học của xứ Wales đã dùng khí cụ thanh phổ lần lượt thu tiếng hót của chim ở xứ Wales và vùng Sussex đã phát hiện ra rằng tuy chúng cùng một loại chim nhưng sự vận động hài hoà của thanh âm và âm điệu của tiếng hót khác nhau. Điều này đã cho thấy không chỉ có các con thú biển có tiếng địa phương mà loài chim cũng có tiếng địa phương, vấn đề là trước đây chúng ta chưa nghiên cứu qua. Vậy thì "tiếng địa phương" của động vật được hình thành như thế nào? Các nhà khoa học cho rằng cùng một loài động vật sống ở nơi khác nhau tính từ ngày chúng vừa ra đời thì vẫn là tiếng kêu nghe được của động vật ở khu vực đó, trong quá trình trưởng thành sau này, chúng không ngừng mô phỏng âm thanh tự mình nghe được, lâu dần tiếng kêu của động vật ở khu vực này hình thành những đặc điểm nhất định, do vậy, "tiếng địa phương" của động vật dần dần xuất hiện. Điều này giống với trường hợp hình thành tiếng địa phương của loài người.
Ý kiến bạn đọc