Facebook | Thống kê | Tìm kiếm | Liên hệ

Chuyên đề GDCD: Chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường

Đăng lúc: Thứ tư - 21/04/2021 11:27 - Người đăng bài viết: Admin
Vận dụng hoạt động trải nghiệm nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh thông qua giảng dạy bài 12-GDCD 11: “Chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
1. Tình trạng giải pháp đã biết
Thực trạng:
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, kinh tế xã hội ngày càng phát triển thì môi trường đang bị đe dọa nghiêm trọng. Hậu quả là tài nguyên ngày càng cạn kiệt, môi trương bị ô nhiễm nặng nề, sự biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra trên toàn cầu đe dọa sự sống của toàn nhân loại. Vấn đề bảo vệ môi trường trở thành vấn đề cấp thiết của nhân loại hiện nay. Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua đã đề ra nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường như ban hành luật, đề ra chủ trương, giải pháp, hợp tác quốc tế…Như chúng ta biết bảo vệ môi trường phụ thuộc rất nhiều yếu tố trong đó yếu tố quyết định là nhận thức và hành động của mỗi người. Vì vậy việc giáo dục ý thức con người là việc cần được quan tâm đặt lên hàng đầu, trong đó vai trò của ngành giáo dục là hết sức quan trọng. Trong những năm qua vấn đề bảo vệ môi trường đã được ngành giáo dục quan tâm phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp”. Các trường học đã lồng ghép và tổ chức cho học sinh tham gia nhiều hoạt động nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh như ngày chủ nhật xanh, tham gia chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, lao động tổng vệ sinh lớp học và khuôn viên trường hằng tháng, tuyên truyền dưới cờ về bảo vệ môi trường… Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn cũng lồng ghép vào các tiết dạy và sinh hoạt nhằm giáo dục ý thức cho học sinh. Nói chung vấn đề bảo vệ môi trường đã được quan tâm thực hiện từ lâu nhưng hiệu quả đạt được chưa cao. Nhìn chung hiện nay ở các trường học vấn đề vệ sinh chưa được đảm bảo, các em học sinh chưa có được ý thức cao và tự giác trong việc bảo vệ môi trường như nhiều em vẫn còn vô tư xả rác vứt rác bừa bãi trong lớp học và ngoài sân trường, chưa tự giác thực hiện việc dọn vệ sinh hằng ngày khi đến lớp, nhiều em phải đợi giáo viên nhắc nhở mới làm. Ngoài ra có trường hợp các em được cha mẹ cưng chiều không cho tham gia làm bất cứ việc gì ở nhà nên trở thành thói quen, khi đến lớp hay ở nơi công cộng các em chưa có được ý thức tự giác trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó ở một số nơi ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường chưa tốt cũng ảnh hưởng không nhỏ đến học sinh.
Ưu điểm:
Hiện nay các trường học thực hiện theo sự chỉ đạo của ngành đã lồng ghép giáo dục môi trường vào các tiết dạy, các môn học. Mỗi ngày học sinh đã có thói quen vệ sinh lớp học trước giờ vào học. Cùng với Đoàn thanh niên tham gia ngày chủ nhật xanh, chương trình hoa phượng đỏ…. Chính vì thế, qua nhiều năm thực hiện thì kiến thức và ý thức bảo vệ môi trường ở các em đã được nâng lên.
Hạn chế:
Mặc dù đã được giáo dục rất nhiều song kĩ năng sống về bảo vệ môi trường thể hiện trong cuộc sống hàng ngày của các em còn hạn chế. Bên cạnh đó hiện tượng môi trường bị ô nhiễm: chất bẩn, rác thải vẫn còn nhiều trên đường và các điểm công cộng do ý thức, hành vi của một số người dân về bảo vệ môi trường chưa cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi của các em ngoài phạm vi nhà trường. Ở trường việc hướng dẫn các em thực hiện vệ sinh lớp học còn khó khăn do có em chưa có ý thức cao trong thực hiện nhiệm vụ. Một số em được gia đình cưng chiều nên không cho làm bất cứ việc gì trong nhà nên trở thành thói quen, khi đến lớp hay ở nơi công cộng các em chưa có được ý thức tự giác trong việc tham gia bảo vệ môi trường.   
Trước thực tế như trên bản thân là giáo viên trong quá trình giảng dạy tôi nhận thấy mình phải tìm cách nào giúp các em học sinh nâng cao ý thức tự giác trong bảo vệ môi trường, không những trong nhà trường mà còn ở gia đình và xã hội. Một trong những giải pháp có hiệu quả mà tôi đã thực hiện là giáo dục các em thông qua quá trình cho học sinh tham gia trải nghiệm thực tế khi giảng dạy bộ môn của mình. Sau đây tôi xin chia sẻ giải pháp: Vận dụng hoạt động trải nghiệm nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh thông qua giảng dạy bài 12-GDCD 11: “Chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến:
- Mục đích của giải pháp: Giúp giáo viên áp dụng vào hoạt động giảng dạy nhằm nâng cao hiệu quả bài học, góp phần nâng cáo ý thức tự giác cho học sinh trong việc bảo vệ môi trường từ nhận thức đến hành động, qua đó lan tỏa được thông điệp cùng chung tay bảo vệ môi trường cho tất cả mọi người trong cộng đồng xã hội.
- Nội dung giải pháp
+ Tính mới của giải pháp:
Giải pháp này mới so với các giải pháp mà nhiều giáo viên đã thực hiện trước đó ở chỗ: giải pháp được xây dựng trên cở sở hoạt động trải nghiệm của học sinh để rút ra và hiểu được kiến thức bài học từ sách giáo khoa và có sản phẩm quá trình học sinh tham gia tích cực vào hoạt động bảo vệ môi trường từ nhận thức đến hành động, tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng.
+ Cách thực hiện
1. Giáo viên hướng dẫn và phân công học sinh thực hiện những hành động cụ thể trước tiết học.
Với nội dung bài 12-GDCD11: “Chính sách tài nguyên và bảo vệ môi trường” Để góp phần giúp học sinh nắm được kiến thức bài học và có những hành động cụ thể để góp phần tham gia bảo vệ môi trường trước tiên tôi đã hướng dẫn cho các em chuẩn bị nội dung báo cáo ở tiết học trước như sau: Tôi phân lớp ra làm 2 nhóm lớn mỗi nhóm sẽ có nhiệm vụ đi khảo sát tìm hiểu tình hình môi trường ở một số khu vực xung quanh thành phố Rạch Giá, sau đó các em có hành động cụ thể góp phần cải thiện môi trường nơi các em tìm hiểu khảo sát. Với việc làm này giáo viên sẽ nhắc nhở các em chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ để làm như găng tay, bao đụng rác... Quá trình tìm hiểu khảo sát và hành động các em sẽ chụp ảnh và quay video lại. Thời gian thực hiện là một tuần lễ các em lựa chọn thời gian thích hợp để làm và hoàn thành sản phẩm. Với cách làm như vậy sẽ giúp cho học sinh trực tiếp nhận thức được thực trạng môi trường ở một số khu vực cụ thể hiện nay và với những hành động các em tham gia góp phần nâng cao được ý thức của các em trong việc bảo vệ môi trường, không những vậy còn giúp những người dân sống ở nơi đó thấy được việc làm của các em từ đó người dân cũng nâng cao được ý thức của mình trong việc bảo vệ môi trường, tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng.
2. Học sinh thực hiện nhiệm vụ và báo cáo kết quả
Sau khi đã được giáo viên hướng dẫn học sinh các nhóm sẽ họp bàn bạc thống nhất thời gian, địa điểm, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và bắt tay vào quá trình thực hiện nhiệm vụ. Sản phẩm các em phải có là hình ảnh, video trước, trong và sau khi các em hành động. Đến tiết học các nhóm sẽ lên báo cáo sản phẩm các nhóm đã làm. Sau khi học sinh báo cáo giáo viên sẽ có những nhận xét, đánh giá và cho điểm các nhóm đã tham gia tốt hoạt động và có những hành động thiết thực trong việc bảo vệ môi trường cũng như tạo được sự lan tỏa cho cộng đồng. Với cách thực hiện như trên kết quả tôi thu được ngoài mong đợi không chỉ là những sản phẩm các em nộp về với những việc làm thiết thực của các em, mà cái chúng ta thu được còn là ở nhận thức và hành động của các em, sau khi tham gia thực hiện xong nhiệm vụ tất cả các em đều có được ý thức tự giác và trách nhiệm cao hơn trong việc bảo vệ môi trường; cũng như các em biết chủ động nhắc nhở bạn bè và mọi người cùng thực hiện để góp phần bảo vệ môi trường.
3. Giáo viên và học sinh cùng tìm hiểu các kiến thức bài học sau báo cáo của các nhóm
Sau khi các nhóm đã báo cáo và giáo viên nhận xét xong, tiếp đến tôi sẽ hướng dẫn để các em rút ra nội dung kiến thức của bài học bằng cách: tôi cho các em xem thêm video về thực trạng môi trường và gợi ý bằng các câu hỏi: Sau khi các em tìm hiểu thực tế và xem video các em thấy thực trạng môi trường hiện nay như thế nào? Để giải quyết thực trạng trên Nhà nước đã làm gì? Bản thân em cần phải làm gì để góp phần bảo vệ môi trường? Với những gợi ý của giáo học sinh sẽ rút ra và hiểu được các kiến thức về thực trạng môi trường hiện nay đang bị ô nhiễm trầm trọng cả môi trường đất, nước, không khí; tài nguyên rừng, biển, khoáng sản ngày càng bị khai thác cạn kiệt; trái đất đang nóng dần lên…. Không những vậy các em còn hiểu được vì sao nhà nước ta đề ra các giải pháp và cách thực hiện các giải pháp để bảo vệ tài nguyên môi trường như: Tăng cường công tác quản lí của Nhà nước. Thường xuyên giáo dục, tuyên truyền ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường cho người dân. Coi trọng công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế, khu vực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Chủ động phong ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên. Khai thác, sử dụng hợp lí, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Áp dụng công nghệ hiện đại vào khai thác và xử lí chất thải; Cũng như biết được trách nhiệm cần phải: Tin tưởng, ủng hộ chính sách và pháp luật của Nhà nước về tài nguyên, môi trường. Tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường. Vận động mọi người cùng tham gia vào các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường và chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Với cách thực hiện như trên tôi nhận thấy sau khi các em đã có sự tìm hiểu thực tế và hành động cụ thể, các em sẽ dễ dàng rút ra và hiểu được những nội dung kiến thức bài học trong sách giáo khoa, cũng như ý thức được trách nhiệm của bản thân từ đó các em có sự tự giác và tích cực hơn trong việc bảo vệ môi trường.
3. Khả năng áp dụng của giải pháp
Giải pháp có thể giúp giáo viên áp dụng vào hoạt động giảng dạy ở các lớp mình phụ trách, giúp nâng cao ý thức cho học sinh trong việc bảo vệ môi trường ở trường THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt. Giải pháp có thể áp dụng ở các trường THPT trong tỉnh.
4. Hiệu quả, lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng giải pháp
Giải pháp góp phần giúp giáo viên có được phương pháp giảng dạy bài học hiệu quả và nâng cao ý thức tự giác của học sinh trong việc bảo vệ môi trường từ nhận thức đến hành động, qua đó lan tỏa được thông điệp cùng chung tay bảo vệ môi trường cho tất cả mọi người trong cộng đồng xã hội.
5. Tài liệu kèm theo gồm:
          - Bản vẽ, sơ đồ … (bản): không
          - Bản tính toán … (bản): không
          - Các tài liệu khác: Hình ảnh, video học sinh tham gia hành động bảo vệ môi trường.
Tác giả bài viết: Nguyễn Mỹ Thuần
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 
 Xem bản: Desktop | Mobile
Copyright @ Phòng CNTT
Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt
Lô E4-5 Trần Công Án, Tp Rạch Giá, Kiên Giang
---||||----