CHUYÊN ĐỀ: SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP TRANH BIỆN TRONG CHƯƠNG IV. VIỆT NAM Ở NỬA ĐẦU THẾ KỈ XIX LỊCH SỬ 10 - CHƯƠNG TRÌNH CƠ BẢN
A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn chuyên đề
Những năm gần đây, đa số học sinh không có hứng thú trong học tập bộ môn Lịch Sử, hiện tượng “sợ sử”, “chán sử” diễn ra phổ biến. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như do chương trình sách giáo khoa hiện hành nặng kiến thức, dày đặc sự kiện, vừa thừa vừa thiếu, HS có tâm lý coi môn sử là môn phụ; HS không hợp tác trong các tiết dạy. GV chưa được tiếp cận các PPDH mới trong đó có PPTB, giáo viên quen với việc sử dụng các PPDH truyền thống, ngại “đổi mới” PPDH, chưa đầu tư nhiều vào bài giảng, chưa giúp phát huy được tính tích cực, phát triển năng lực tư duy cho các em. Mặt khác, cũng do thời lượng chương trình quá dài mà quỹ thời gian trên lớp có hạn nên hạn chế việc sử dụng PPTB trên lớp của GV. Do vậy đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động của người học là đòi hỏi cấp bách của môn Lịch Sử cũng như nền giáo dục nước ta hiện nay.
Trong khi bộ môn lịch sử có đặc trưng là mang tính quá khứ khiến chúng ta không thể trực tiếp quan sát những sự kiện đã qua, hay trực tiếp tiếp xúc với những nhân vật lịch sử, mà chỉ có thể dựa vào những nguồn sử liệu để khôi phục lại nó. Nên chắc chắn sẽ xảy ra trường hợp có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề lịch sử. Trong tình huống này, việc sử dụng phương pháp tranh biện trong dạy học lịch sử lại càng trở nên cần thiết. Bởi lẽ một bài học lịch sử hiệu quả không được quyết định bởi lượng kiến thức GV đưa ra nhiều hay ít mà phụ thuộc vào phương pháp GV sử dụng trong hoạt động dạy – học như thế nào và mức độ HS nhận thức về kiến thức lịch sử đó ra sao.
Phương pháp tranh biện phù hợp với đặc trưng của bộ môn Lịch sử nên nếu được áp dụng sẽ góp phần giúp HS hiểu rõ bản chất và nhìn nhận các sự kiện LS một cách linh hoạt hơn. Phương pháp tranh biện có vai trò lớn trong việc phát huy năng lực nhận thức, tư duy độc lập của học sinh, nâng cao hiệu quả bài học lịch sử. Đồng thời dạy học lịch sử mà sử dụng phương pháp tranh biện cũng phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, rèn luyện cho các em nhìn nhận các nội dung lịch sử dưới góc độ nhiều chiều, có tư duy phản biện và năng lực giải quyết vấn đề.
Xuất phát từ thực tế đó tôi lựa chọn viết chuyên đề: “ĐỀ XUẤT NHỮNG NỘI DUNG CÓ THỂ SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP TRANH BIỆN TRONG CHƯƠNG IV. VIỆT NAM Ở NỬA ĐẦU THẾ KỈ XIX LỊCH SỬ 10 - CHƯƠNG TRÌNH CƠ BẢN”
2. Mục đích của chuyên đề
Mục đích của chuyên đề nhằm thực hiện bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn; thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị cũng như của ngành.
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận dạy học nói chung và thực tiễn việc DHLS ở trường THPT nói riêng, chuyên đề đi vào tìm hiểu về phương pháp tranh biện; khẳng định vai trò, ý nghĩa của tranh biện; đề xuất hướng sử dụng phương pháp tranh biện trong chương IV. Việt Nam ở nửa đầu thế kỉ XIX Lịch sử 10 – chương trình cơ bản.
B. PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. Cơ sở lý luận
1.1.1. Một số khái niệm cơ bản
*Quan niệm về tranh biện
“Tranh biện” là một trong những hoạt động lâu đời nhất của nền văn minh. Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức…, việc thực hành tranh biện được thể hiện rõ ràng không chỉ qua các hoạt động giáo dục (educational debate) mà còn qua các phương tiện truyền thông (media) và đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Tranh biện là cuộc trình diễn tổng hợp các kỹ năng: tư duy phản biện, nói trước công chúng, nghiên cứu, tổ chức sắp xếp, làm việc nhóm, nghe, ghi chép…
Tranh biện là quá trình giao lưu ngôn ngữ đòi hỏi những người tham gia phải chứng minh được quan điểm của mình là đúng đắn bằng hệ thống các lập luận logic. Đó là cách ngắn nhất và ôn hòa nhất giúp mọi người cùng đi đến một nhận thức chung. Chính vì thế, tranh biện được coi là tinh hoa của năng lực sử dụng ngôn ngữ, là cách thức phát triển trí tuệ, là hòn đá mài sắc tư duy.
*Phương pháp tranh biện
Phương pháp tranh biện là cách giáo viên đưa ra, gợi mở cho học sinh suy nghĩ, đánh giá về một vấn đề nhất định theo những hướng khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Sau đó dựa trên những tìm hiểu của các em, giáo viên tổ chức cho các em trao đổi, bàn bạc, phản biện về vấn đề đó. Học sinh sẽ đưa ra và bảo vệ quan điểm của mình, đồng thời thuyết phục đối phương theo ý kiến đó bằng những lập luận, lí lẽ, bằng chứng xác thực nhằm làm rõ những khía cạnh khác nhau của vấn đề và làm giàu sự hiểu biết của cá nhân theo yêu cầu của mục tiêu và nhiệm vụ dạy học.
Trong quá trình dạy học, GV có thể lựa chọn sử dụng tranh biện trong việc kiểm tra bài cũ, tổ chức dạy học và nghiên cứu kiến thức mới; củng cố và kiểm tra, đánh giá. Hiểu một cách đơn giản về phương pháp này là GV đề xướng, tổ chức còn HS chủ động trao đổi, bàn luận, tranh biện, linh hoạt, sáng tạo tiếp thu tri thức một cách vững chắc và hiệu quả.
1.1.2. Vai trò, ý nghĩa của việc sử dụng phương pháp tranh biện cho học sinh trong dạy học Lịch sử.
*Vai trò
Phương pháp tranh biện là một phương pháp dạy học mới và có vai trò rất lớn với cả GV và HS trong quá trình dạy học Lịch sử. - Đối với GV
Tranh biện là một công cụ giảng dạy có thể khắc phục những hạn chế của những phương pháp truyền thống. Với PPTB, HS thực sự là trung tâm của lớp học và phải chủ động chuẩn bị và tham gia hoạt động. Phương pháp TB cũng góp phần làm phong phú thêm phương pháp dạy học cho giáo viên và giúp GV bắt kịp với xu hướng dạy học tích cực. Với những hiệu quả mà phương pháp đem lại, GV sẽ thêm yêu nghề và tâm huyết với nghiệp trồng người. - Đối với HS:
Phương pháp TB tạo hứng thú và động cơ học tập cho học sinh. Khi tham gia vào hoạt động tranh biện, HS được trao đổi giao lưu với thầy cô, bạn bè; phát triển khả năng giải quyết vấn đề, góp phần hình thành tư duy phản biện cho các em.
*Ý nghĩa
Sử dụng PPTB trong dạy học bộ môn có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện những mục tiêu về kiến thức, tư tưởng – thái độ, kĩ năng cho HS. Trên cơ sở đó, hướng tới hình thành các năng lực chung và năng lực chuyên biệt cho HS; có ưu thế lớn trong việc phát triển tư duy phản biện, năng lực hợp tác và năng lực giải quyết vấn đề cho HS.
1.2. Cơ sở thực tiễn
Để hiểu rõ thực tiễn việc sử dụng PPTB trong DHLS ở trường THPT hiện nay, chúng tôi đã tiến hành điều tra thực tế tại 5 trường: THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, THPT U Minh Thượng, THPT Dân tộc nội trú tỉnh, THPT Phú Quốc, THPT Hòn Đất.
Trường THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt là trường chuyên duy nhất của tỉnh. Trường toạ lạc ở lô E4 – E5 đường Trần Công Án, phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Thành lập từ năm 1989, cho đến nay trường đã có bề dày lịch sử gần 30 năm với nhiều thành tích vẻ vang. Năm 2018, trường có 31 lớp trong đó có các lớp chuyên như Toán, Lý, Tin, Hóa, Sinh, Anh, Văn, Sử - Địa và lớp không chuyên.
Đại diện cho trường THPT vùng sâu vùng xa là trường THPT U Minh Thượng. Trường được thành lập vào năm 2003, ban đầu với 24 lớp và 1008 HS, nay có 26 lớp 1015 HS. Tuy còn nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy nhưng trường THPT U Minh Thượng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT duy trì bằng với mặt bằng chung của tỉnh, số HS đỗ vào Đại học, Cao đẳng ngày càng nhiều; số HS giỏi cấp, huyện tỉnh ở các môn được duy trì ổn định; năm học 2016-2017 và 2017-2018 trường có 32 lượt HS đạt học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, có 03 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Tỉnh Kiên Giang còn có trường Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh. Tiền thân là trường Thanh niên Dân tộc vừa học vừa làm của tỉnh, thành lập từ năm 1991, trường phổ thông DTNT tỉnh Kiên Giang. Đây là trường DTNT dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số được thành lập sớm nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hiện có 12 lớp học, hơn 420 học sinh với trên 95% là học sinh dân tộc Khmer. Năm học 2016-2017 vừa qua, 100% học sinh của trường đỗ kỳ thi THPT quốc gia, trên 75% vào đại học, cao đẳng và dự bị đại học. Trường phổ thông DTNT tỉnh Kiên Giang đã từng bước kiện toàn cơ sở vật chất giáo dục với hệ thống trang thiết bị dạy học, thiết bị thực hành, nhà ăn, phòng học, thư viện, ký túc xá,… được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, hiện đại; là trường phổ thông đầu tiên của tỉnh Kiên Giang được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2001-2010.
Xa xa vùng hải đảo, trường THPT Phú Quốc, ngôi trường được đặt trên hòn đảo ngọc của Việt Nam. Trường THPT Phú Quốc nằm trên địa bàn thị trấn Dương Đông, khu trung tâm hành chính của huyện đảo Phú Quốc, thuộc khu phố 5 – thị trấn Dương Đông - tỉnh Kiên Giang. Đây là ngôi trường THPT đầu tiên và có quy mô lớn nhất trên huyện đảo. Nhà trường có bề dày trên 30 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển. Thành lập từ năm 1993, đến năm học này trường có hơn 1500 em HS đang theo học. Trường gồm có 13 lớp 10, 11 lớp 11 và 12 lớp 12 trong năm học 2018 – 2019. Hiện đơn vị là một trong những cơ sở giáo dục có quy mô lớn của huyện đảo Phú Quốc, góp phần không nhỏ vào việc đào tạo, giáo dục con người, cung cấp nguồn nhân lực cho địa phương.
Nói đến vùng huyện, trường THPT Hòn Đất là ngôi trường nổi bật nhất với lịch sử lâu đời, được thành lập từ năm 1981 tại ấp Chòm Sao, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Trên cơ sở về thành tích và đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường, trường THPT Hòn Đất được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang cùng với UBND tỉnh Kiên Giang chọn là trường trọng điểm của huyện Hòn Đất.
- Nội dung khảo sát:
+ Nhận thức và thái độ của giáo viên, học sinh về việc sử dụng phương pháp tranh luận trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông.
+ Những kết luận rút ra từ thực tiễn tổ chức tranh luận trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông.
- Các phương pháp điều tra, khảo sát:
+ Phỏng vấn giáo viên lịch sử, học sinh ở 4 trường trung học phổ thông.
+ Phát phiếu điều tra cho giáo viên và học sinh.
+ Quan sát trường hợp điển hình (giáo viên và học sinh).
Thông qua phiếu điều tra, phỏng vấn đã thu được kết quả: khoảng 30% GV nhận thức đúng và khái quát nhất về PPTB trong DHLS. Còn lại vẫn có GV nhận thức khái niệm tranh biện ở phạm vi hẹp, đơn thuần, hiểu không đúng về nội hàm khái niệm TB. Còn lại 70% GV có nhận thức chưa đúng do: Phương pháp này còn mới mẻ đối với nhiều trường THPT; GV có tâm lý ngại đổi mới PPDH; một số GV vẫn chưa chú trọng sử dụng PPTB vì thấy việc áp dụng PP đó không cần thiết; tần suất GV sử dụng không thường xuyên, thậm chí có GV còn chưa sử dụng PPTB bao giờ. Đại đa số HS nhận thức đúng sự cần thiết của việc sử dụng PPTB trong học tập lịch sử ở trường phổ thông và cảm thấy rất thích thú khi được học tập môn LS bằng PPTB. Các em sẽ nhớ nhanh và hiểu sâu sắc nội dung kiến thức hơn. Tuy nhiên khó khăn là trình độ HS còn hạn chế, nhiều HS không hứng thú học tập, công tác chuẩn bị để áp dụng PPTB rất công phu, mất nhiều thời gian, quỹ thời gian trên lớp eo hẹp,…
CHƯƠNG 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý KHI SỬ DỤNG
PHƯƠNG PHÁP TRANH BIỆN TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ
2.1. Những yêu cầu khi sử dụng phương pháp tranh biện trong dạy học Lịch sử
Xác định rõ mục đích của tranh biện, làm nổi bật nội dung bài học
Lựa chọn vấn đề tranh biện phù hợp và cân đối về mặt thời gian khi tổ chức tranh biện
Sử dụng tranh biện phải đảm bảo tính vừa sức, trình độ và tâm lý học sinh
Sử dụng tranh biện phải kết hợp nhuần nhuyễn với các phương pháp dạy học khác góp phần nâng cao hiệu quả bài học lịch sử ở trường THPT
2.2. Một số biện pháp sử dụng phương pháp tranh biện trong dạy học Lịch sử
Tranh biện về sự kiện lịch sử
Tranh biện về nhân vật lịch sử
Tranh biện trong tổ chức và nghiên cứu kiến thức mới
Tranh biện trong luyện tập củng cố
Tranh biện trong kiểm tra, đánh giá.
2.3. Tiến trình tổ chức phương pháp tranh biện trong dạy học Lịch sử
Giai đoạn 1: Chuẩn bị tổ chức tranh biện
* Bước 1: Xác định vấn đề tranh biện
GV cần phải xác định mục tiêu, yêu cầu của bài học cũng như nắm vững nội dung lịch sử. Từ việc xác định nội dung tranh biện, GV sẽ căn cứ vào vị trí, thời lượng của nội dung đó so với bài học là bao nhiêu để linh hoạt vấn đề tổ chức và sắp xếp thời gian cho hoạt động tranh biện một cách hợp lí, không ảnh hưởng đến thời lượng của cả tiết học.
*Bước 2: Lập kế hoạch tổ chức tranh biện
Kế hoạch tổ chức cho HS tranh biện cần được thể hiện một cách chi tiết thông qua việc thiết kế giáo án. Bên cạnh việc thiết kế giáo án, GV cần xây dựng một hệ thống câu hỏi, sử dụng trong 2 trường hợp. Trước hết là để hỗ trợ cho quá trình chuẩn bị nội dung tranh luận cho HS. GV sẽ đưa ra một số câu hỏi mang tính chất định hướng khai thác nội dung ngay sau khi cho HS biết vấn đề tranh biện để gợi ý hướng để HS biết cách tìm tài liệu và xây dựng luận cứ, dẫn chứng. Câu hỏi phải rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, chính xác và ở nhiều mức độ khác nhau.
Giai đoạn 2: Tổ chức hoạt động tranh biện
Bước 1: Giáo viên giới thiệu vấn đề tranh biện, học sinh tiếp nhận nhiệm vụ.
Vấn đề tranh biện phải được giáo viên đưa ra hết sức cụ thể và sinh động, trong đó chứa đựng các mâu thuẫn nhận thức.Ở giai đoạn này học sinh phải nhận thức được các mâu thuẫn và có nhu cầu giải quyết nó. Đây là động lực thúc đẩy tính tích cực tư duy sáng tạo của từng học sinh.
Bước 2: Tổ chức cho học sinh đưa ra ý kiến, quan điểm, đánh giá của mình và tranh biện lẫn nhau.
Đây là bước cơ bản và trọng tâm nhất của quá trình tranh biện, hiệu quả của giờ học sử dụng phương pháp tranh biện phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của giáo viên và học sinh ở bước này. Công việc này rèn luyện cho học sinh cách nghe, hiểu, tái hiện được kiến thức đã thu nhận được thông qua việc tranh biện với các học sinh khác, từ đó học sinh tự mở rộng được hiểu biết của mình cũng như làm sâu sắc hơn những kiến thức mình đã có. Giáo viên làm trọng tài khoa học, theo dõi kết quả làm việc của của học sinh và có những định hướng kịp thời.
Bước 3: Giáo viên chốt lại những vấn đề có bản, trọng tâm.
Trên cơ sở những ý kiến tranh biện của học sinh, giáo viên khái quát toàn bộ vấn để, chốt lại những vấn đề cơ bản, trọng tâm và gợi mở tư duy cho học sinh.Đồng thời giáo viên cần dành thời gian động viên, khen thưởng kịp thời những thành viên, nhóm hoạt động tích cực, có kết quả làm việc tốt và tích cực.
Giai đoạn 3: Kiểm tra, đánh giá kết quả bài học theo hoạt động tranh biện
Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh trong quá trình dạy học có tầm quan trọng đặc biệt.Việc tổ chức tranh biện với tư cách là phương pháp dạy học cần được kiểm tra đánh giá, thông qua đó để kịp thời điều chỉnh hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh, đồng thời rút kinh nghiệm cho quá trình về sau.
2.4. Các tiêu chí đánh giá kết quả học tập của học sinh sau mỗi tiết học có sử dụng phương pháp tranh biện
Kết quả nhận thức của học sinh.
Kĩ năng vận dụng kiến thức.
Mức độ chú ý của học sinh trong giờ học.
Mức độ hứng thú của học sinh đối với giờ học.
Hoạt động của học sinh trong giờ học.
Khi đánh giá kết quả học tập của học sinh sau mỗi tiết học cần phải tạo điều kiện cho các em tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau.
CHƯƠNG 3: ĐỀ XUẤT NHỮNG NỘI DUNG CÓ THỂ SỬ DỤNG
PHƯƠNG PHÁP TRANH BIỆN TRONG CHƯƠNG IV. VIỆT NAM Ở
NỬA ĐẦU THẾ KỈ XIX LỊCH SỬ 10 - CHƯƠNG TRÌNH CƠ BẢN
Xin đề xuất một số nội dung có thể khai thác và sử dụng PPTB trên 2 khía cạnh là tranh biện về sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử. Bài học nội khóa | Tranh biện về SKLS | Tranh biện về NVLS |
Bài 25. Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa dưới triều Nguyễn (Nửa đầu thế kỉ XIX) | - Nhận xét về quân đội của nhà Nguyễn so với mặt bằng khu vực và so với Pháp: Ý kiến 1 cho rằng: quân đội của nhà Nguyễn mạnh hơn khu vực, thậm chí mạnh hơn phong trào nông dân nhưng yếu hơn Pháp Ý kiến 2 thì cho rằng quân đội nhà Nguyễn yếu hơn cả Pháp và nhiều nước trong khu vực GV tổ chức cho HS tranh biện về quân đội của nhà Nguyễn - Tổ chức cho HS tranh biện về nét khác biệt của quân đội của nhà Nguyễn với quân đội thời Lý, Trần Ý kiến 1 cho rằng: không có gì khác Ý kiến 2 thì cho rằng quân đội nhà Nguyễn chủ yếu bảo vệ lợi ích dòng họ Nguyễn; còn quân đội Lý, Trần là bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân và bảo vệ đất nước trước sự xâm lăng của ngoại xâm. - Đánh giá về nhà Nguyễn ở nửa đầu thế kỉ XIX Ý kiến 1 cho rằng: nhà Nguyễn là một bước lùi của lịch sử Ý kiến 2 thì cho rằng nhà Nguyễn vừa có mặt tích cực, vừa có mặt hạn chế | GV tổ chức cho HS tranh biện về vua Minh Mạng. Có thể kết hợp sử dụng PPĐV để giúp cho HS hóa thân trải nghiệm vào NV từ đó đưa ra những lập luận. Từ đó, đánh giá được ưu điểm và đóng góp của vua Minh Mạng, nhất là cuộc cải cách hành chính và chủ quyền biển đảo |
Bài 26. Tình hình xã hội ở nửa đầu thế kỉ XIX và phong trào đấu tranh của nhân dân | Tổ chức cho HS tranh biện về cuộc sống của nhân dân ta dưới thời Nguyễn so với thế kỉ XVIII Tổ chức cho HS tranh biện về nét khác biệt của phong trào nông dân thời Nguyễn và các triều đại trước | GV tổ chức cho HS tranh biện về Cao Bá Quát |
Trên đây chỉ là một số đề xuất về nội dung có thể khai thác vào sử dụng PPTB. Trên thực tế việc lựa chọn vấn đề tranh biện như thế nào để tổ chức hoạt động cho HS tùy thuộc vào mục tiêu bài học, mục đích của GV và đối tượng HS.
C. KẾT LUẬN
Phương pháp tranh biện – một phương pháp còn rất mới đối với trường phổ thông nhưng lại có ưu thế và hiệu quả cao trong dạy học, đặc biệt là dạy học lịch sử. Nó có thể tạo được sự hào hứng tham gia của HS và kích thích tư duy phản biện, tiếng nói cá nhân của chính các em về một vấn đề lịch sử.Vì vậy, việc GV sử dụng phương pháp tranh biện hợp lý trong DHLS sẽ có tác dụng thiết thực, là việc làm cần thiết góp phần nâng cao hiệu quả bài học, tạo hứng thú cho HS trong học tập bộ môn, giúp cho các em biết cách lắng nghe tích cực và tiếp nhận quan điểm của phía khác.
Đa phần cả GV và HS đều nhận thức được vai trò, ý nghĩa của PPTB nhưng nhiều giáo viên lại chưa tích cực sử dụng phương pháp này hoặc sử dụng chưa hiệu quả trong quá trình giảng dạy. Học sinh quen cách học thụ động, chưa mạnh dạn bày tỏ mong muốn của mình trong tiết học, chưa tích cực tham gia vào hoạt động trong tiết học
Thông qua việc tìm hiểu vấn đề sử dụng PPTB trong DHLS Việt Nam lớp 10 THPT (chương trình chuẩn) chúng tôi đã đề xuất một số biện pháp sử dụng PPTB theo hướng tiếp cận mới nhằm nâng cao hiệu quả bài học đó là: sử dụng tranh biện về nhân vật và sự kiện lịch sử. Mặt khác, chúng tôi cũng kết hợp sử dụng PPTB với các phương pháp dạy học khác nhằm sinh động hơn nội dung của bài học. Mỗi một biện pháp đều có ưu thế vượt trội riêng trong việc phát huy tính tự chủ, tích cực trong học tập và rèn luyện cho các em khả năng nhìn nhận các vấn đề lịch sử đa chiều và sâu sắc hơn.
Để vận dụng PPTB một cách hiệu quả, phát huy tốt nhất tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS, nâng cao hiệu quả bài học lịch sử ở trường phổ thông cần tới sự cố gắng, tích cực hưởng ứng từ phía cả phía nhà trường – giáo viên – học sinh
D. TÀI LIỆU THAM KHẢO
Diệp Quang Ban, Giao tiếp diễn ngôn và cấu tạo văn bản, NXB Giáo dục, 2009.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Dạy học lấy học sinh làm trung tâm: Tài liệu tập huấn giáo viên, HQGTPHCM, 2012.
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tài liệu tập huấn phát triển chuyên môn giáo viên trường trung học phổ thông chuyên môn Lịch sử. Đà Nẵng, tháng 7 năm 2011.
Nguyễn Thị Côi: Các con đường, biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học lịch sử ở trường phổ thông, NXB Đại học Sư phạm, 2006.
Lê Tấn Cẩm Giàng (2011), Tư duy phản biện, Viện Nghiên cứu Giáo dục, Hà Nội.
Nguyễn Thị Hoàng Hà, Rèn luyện năng lực phản biện cho sinh viên trong dạy học các học phần phương pháp chuyên ngành sư phạm mần non, Tạp chí Giáo dục, số 249, 2010.
Lê Mậu Hãn (Cb), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999.
Bùi Thế Hưng, Phát huy khả năng phản biện của học sinh THPT trong dạy học văn, Tạp chí Giáo dục, số 303, 2013.
Phan Ngọc Liên (chủ biên): Thiết kế bài học lịch sử ở trường trung học phổ thông, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999
Nguyễn Quang Ngọc (Cb), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007.
Lương Ninh, 2000, Lịch sử Việt Nam giản yếu, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.
Bửu Kế, Từ điển Hán Việt Từ Nguyên, NXB Thuận Hóa, 2007.
Nguyễn Thị Thương, Sử dụng phương pháp tranh luận nhằm phát triển tư duy phản biện cho học sinh trong dạy học lịch sử Việt Nam ( thế kỉ X – giữa thế kỉ XIX) lớp 10 THPT (chương trình chuẩn), khóa luận tốt nghiệp, khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2013.
Trương Hữu Quýnh, Sổ tay kiến thức Lịch sử (Phần Lịch sử Việt Nam), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001.
Đào Tố Uyên chủ biên (2008), Giáo trình Lịch sử Việt Nam, tập 2, nxb Đại học sư phạm
Vietyouthtodebate, Giáo án khóa học debate, tài liệu lưu hành nội bộ trong khóa học về tranh biện và tư duy phản biện, Hà Nội, 2016.
Tác giả bài viết: Lưu Thị Vân Hà
-
Đang truy cập: 199
-
Khách viếng thăm: 71
-
Máy chủ tìm kiếm: 128
-
Hôm nay: 14319
-
Tháng hiện tại: 385481
-
Tổng lượt truy cập: 16372716
Ý kiến bạn đọc